Đại hoàng
Đại hoàng dùng làm dược liệu (Rhizoma
Rhei) là thân rễ đã cạo vỏ và phơi hay sấy khô của cây Đại hoàng, tên khoa học Rheum palmatum L. hoặc Rheum officinale Baillon hoặc giống lai của hai loài trên. Đại hoàng họ Rau răm Polygonaceae.
Dược liệu Đại hoàng |
1. Đặc điểm thực vật
Cây thuộc thảo lớn, sống dai nhờ thân rễ to. Lá mọc thành cụm từ thân rễ, có kích thước lớn, có cuống dài, có bẹ chìa, phiến lá hình tim rộng 30- 40 cm phân thành 5- 7 thùy chính. Các thùy này có thể phân lần hai hoặc đôi khi phân lần 3. Lá của Rheum palmatum có thể có thùy sâu hơn R.officinale. Gân lá nổi mặt dưới, thường có màu đỏ nhạt. Từ năm thứ 3- 4 thì xuất hiện 1 thân mọc lên cao 1- 2 m mang một số lỗ nhỏ. Phần ngọn thân là chùm hoa hình chùy mang nhiều hoa. Bao hoa gồm 6 bộ phận màu trắng, xanh nhạt hoặc đỏ nhạt, có 9 nhị.
Đại hoàng Rheum palmatum |
2. Thành phần hóa học
Thành phần hoạt chất trong Đại hoàng chủ yếu là các anthranoid tồn tại ở các dạng khác nhau.
- Anthraquinon tự do gồm có: chrysophanol (1,8-dihydroxy-3-methylanthracene-9,10-dione), emodin, physcion, aloe emodin (1,8-dihydroxy-3-(hydroxymethyl)anthracene-9,10-dione) và rhein (4,5-dihydroxy-9,10-dioxo-9,10-dihydroanthracene-2-carboxylic acid)
- Các glucosid của anthraquinon. Chiếm khoảng 60 - 70 % của toàn phần hoạt chất và gồm các glucosid của các aglycon nói ở trên.
- Các glucosid của các anthranol và anthron tương ứng với những aglycon nói trên. Những dẫn chất này dễ bị oxy hóa thành các dẫn chất anthraquinon.
- Các dẫn chất dimer dianthron tồn tại trong cây dưới dạng mono và diglucosid. Ví dụ: sennidin A, B, C .
- Các heterodianthron carboxylic như rheidin A, B, C, các heterodianthron không có nhóm carboxyl như palmidin A (= heterodianthron của emodin và aloe emodin), palmidin B (= heterodianthron của aloe emodin và chrysophanol) và palmidin C (= heterodianthron của rheum emodin và chrysophanol).
- Trong đại hoàng còn có deshydrodianthron như dirhein.
- Thành phần thứ hai đáng chú ý là tanin (khoảng 5% - 12%) chủ yếu thuộc nhóm pyrocatechic và một phần thuộc nhóm pyrogallic. Các chất này dễ tan trong cồn. Ngoài ra trong đại hoàng còn có nhiều chất vô cơ (nhiều calci oxalat). Tinh bột, pectin; một chất nhựa ít được nghiên cứu cũng có tác dụng tẩy xổ.
3. Tác dụng và công dụng của Đại hoàng
- Các dẫn chất anthranoid trong Ðại hoàng có tác dụng làm tăng nhu động ruột; với liều thấp có tác dụng nhuận tràng, liều cao làm thuốc tẩy nhẹ dùng cho người đầy bụng, đại tiện bí. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
- Các chế phẩm có Đại hoàng tác dụng cả lên cơ trơn của bàng quang và tử cung do đó phụ nữ có thai hoặc người bị viêm bàng quang không nên dùng. Do có tác dụng phụ là gây sung huyết nên không dùng cho người bị trĩ.
- Vì đại hoàng có chứa nhiều calci oxalat nên không được dùng dài ngày cho người bị sỏi thận oxalic.
Trên đây là một số thông tin về Đại hoàng, vị dược liệu khá phổ biến trong các thang thuốc điều trị các bệnh về đường ruột.
Nhận xét
Đăng nhận xét