Lá trúc đào

Trúc đào là một loài cây lâu năm cho hoa đẹp, rất dễ trồng. Vì vậy trúc đào thường được trồng làm cảnh ở nơi công cộng, làm hàng rào hay trên dải phân cách đường giao thông. Trúc đào cũng từng đi vào trong văn thơ, âm nhạc. Nói về thú vui tao nhã uống trà, cụ Nguyễn Tuân từng mô tả việc thả mấy lá trúc đào vào gánh nước cho đỡ sánh để thêm phần thi vị. Chi tiết này 100 % là cụ bịa bởi vì lá trúc đào có độc, không ai dại gì mà lại làm như thế. Trong đông y nói riêng và trong y học nói chung, lá trúc đào được sử dụng để chữa bệnh hoặc nguyên liệu bào chế thuốc chữa bệnh về tim mạch.

Lá, hoa cây Trúc đào
Lá, hoa cây Trúc đào

1. Mô tả đặc điểm trúc đào

  • Trúc đào có tên khoa học Nerium oleander L. họ Trúc đào- Apocynaceae. Loài Nerium odorum Soland. cũng được dùng.
  • Cây cao 3-4m, cành mọc đứng khi non có màu xanh, khi già có màu nâu xám. Lá mọc vòng 3 lá một, nguyên, hình mũi mác, màu lục nhạt ở mặt dưới, màu lục sẫm ở mặt trên. Lá tiền khai cuộn ngoài. Hoa màu hồng, có khi màu trắng xếp thành ngù ở ngọn. Hoa đều lưỡng tính, có bao hoa và bộ nhị mẫu 5. Tràng hình cánh hợp, hình phễu có phiến chia làm 5 thuỳ, tiền khai vặn. Chỉ nhị dính liền với tràng. Bao phấn đính gốc. Quả cấu tạo bởi 2 đại. Khi nứt dọc, bên trong có hạt mang chùm lông màu hung. Toàn cây có nhựa mủ trắng và độc.
  • Lá trúc đào Thu hái vào tháng 10, tháng11 hoặc vào tháng 4, hái những lá già dài trên 10cm. Hái về làm khô ngay ở nhiệt độ không quá 50oC

2. Thành phần hóa học của Trúc đào


  • Lá chứa hoạt chất chính là các glycosid tim, có 17 glycosid khác nhau. Hàm lượng glycosid tim toàn phần trong lá là 0,5%. Gồm các glycosid sau: Oleandrin (Neriolin), Desacetyloleandrin, Neriantin, Adynerin.
  • Trong lá còn có các thành phần khác như: acid ursolic, các dẫn chất flavonoid: rutosid và nicotiflorin.
  • Ngoài sử dụng lá, cây trúc đào có thể sử dụng các bộ phận sau: Vỏ cây có chứa 4 glycosid tim. Hạt chứa 26 glycosid.

3. Tác dụng và công dụng

  • Neriolin và các chế phẩm lá trúc đào tác dụng như các chế phẩm của lá digital nhưng tác dụng mạnh hơn và ít tích luỹ hơn.
  • Neriolin làm chậm nhịp tim, kéo dài thời kỳ tâm trương. Tính chất này đặc biệt có lợi đối với bệnh nhân bị hẹp van 2 lá vì kéo dài thời kỳ tâm trương giúp cho máu có đủ thời giờ xuống tâm thất trái qua lỗ van 2 lá bị hẹp khiến cho lượng máu phóng vào đại tuần hoàn trong mỗi chu chuyển tim lớn hơn, nâng cao được lưu lượng và hiệu suất của tim.
  • Tác dụng lên tim đến rất nhanh: chỉ sau vài giờ, có trường hợp chỉ sau 15-20 phút bệnh nhân bớt khó thở, nhờ thế bệnh nhân rất phấn khởi tin tưởng ở thuốc.
  • Neriolin được loại ra khỏi cơ thể nhanh nên việc đổi thuốc không phải chờ thuốc thải ra hết mà có thể thay ngày hôm sau.
  • Ngoài ra còn có tác dụng thông tiểu, giảm hiện tượng phù.


Trên đây là một số thông tin về Trúc đào, loại dược liệu có độc tính cao, có chứa glycosid tim để chữa bệnh tim mạch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Quỷ trâm thảo

Cây sừng dê hoa vàng

Công dụng chữa bệnh của Cốt khí muồng